1/ Maggie Q – Cựu người mẫu kiêm diễn viên
Maggie Q có tên đầy đủ là Margaret Denise Quigley, là nữ diễn viên mang hai dòng máu Mỹ và Việt Nam. Nữ diễn viên sinh năm 1979 có được ngoại hình nổi bật từ dòng máu gốc Balan của bố và thừa hưởng nét đẹp Á đông từ người mẹ Việt Nam Catherine Hồng.
Maggie Q khởi nghiệp năm 17 tuổi với công việc người mẫu tại Hồng Kông và Nhật Bản chứ không phải là nghề diễn viên. May mắn mỉm cười với Maggie Q khi cô lọt vào tầm ngắm của Thành Long, khi ông đang đi tìm những gương mặt mới cho những dự án phim điện ảnh do ông sản xuất.
Năm 2000, Maggie Q có vai diễn đầu tiên trong Giờ cao điểm 2 đóng cùng Thành Long. Đến nay, Maggie Q từng tham gia 33 bộ phim, với 28 bộ phim điện ảnh và 5 bộ phim truyền hình, trong đó có các tác phẩm gây ấn tượng với các bom tấn của Hollywood và Hồng Kông như Rush Hour 2 (2001), vai Charlene Ching phim Naked Weapon (2002), Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (2004), Mãnh long đặc cảnh (2005). Maggie Q từng về thăm Việt Nam vào các năm 2004, 2009 và 2015. Năm 2015, cô về tham gia một chương trình kêu gọi bảo vệ động vật quý hiếm, trong đó có loài tê giác sắp bị tuyệt chủng.
2/ Kathy Uyen – Nữ diễn viên, nhà sản xuất và biên kịch
Kathy Uyên tên đầy đủ là Nguyễn Uyên Kathy, cô sinh năm 1981, lớn lên tại Mỹ.
Sự nghiệp của cô bắt đầu khi trở thành người mẫu quảng cáo trên State Farm, Toyota Highlander, NBC, Winter Olympics 2006, sau đó cô trở về với đam mê điện ảnh như Asian Stories, Skidmarks và có được chỗ đứng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Năm 2009, Kathy Uyên tham gia bộ phim Chuyện tình xa xứ của đạo diễn Victor Vũ. Với ngoại hình đẹp, khuôn mặt thanh tú tự nhiên, cô liên tục được mời tham gia trong nhiều phim ngắn và được các đạo diễn lớn nhắm đến. Cô về Việt Nam đảm nhiệm vai chính trong “Để mai tính” sau đó một năm. Cũng từ đây, tên tuổi của Kathy được nhiều người biết đến hơn nữa và được đánh giá cao từ phía các nhà chuyên môn.
Năm 2013, bộ phim Âm mưu giày gót nhọn đã đánh dấu bước trở lại của Kathy, khi phim do chính cô viết kịch bản đồng thời là nhà sản xuất và khá thành công về mặt doanh thu phòng vé. Cô có khá nhiều giải thưởng điện ảnh, như: Nữ diễn viên phụ xuất sắc trong phim Chuyện tình xa xứ (2009); Nữ diễn viên xuất sắc trong phim Âm mưu giày gót nhọn, Cánh Diều Vàng (2013); Woman of the month, tạp chí Esquire Việt Nam (2013); Giải thưởng “Woman of the year” từ tạp chí “Thể thao văn hóa đàn ông” (2013).
Một số sản phẩm của cô như: Bộ phim “Chuyện tình xa xứ” – “Passport to love” (2009); Bộ phim “Để mai tính” – “Fool for love” (2009); Music video “Sống trọn cho nhau” hợp tác cùng ca sĩ Thanh Bùi (2012); Bộ phim “Supercapitalsit” (2012); Bộ phim “Rice on white” (2013); Bộ phim “Âm mưu giày gót nhọn” – “How to fight in six inch heels” (2013).
3/ Christine Ha – Quán quân MasterChef 2012 (thí sinh khiếm thị đầu tiên của chương trình)
Christine Hà (tên tiếng Việt Hà Huyền Trân)” sinh năm 1979, cô có bố mẹ là người Việt Nam định cư tại Mỹ. Christine Hà là đầu bếp từng giành giải quán quân MasterChef 2012 ở Mỹ, với giải thưởng 250.000 USD và một hợp đồng sách nấu ăn.
“Vua đầu bếp” cho biết cô bắt đầu yếu thị lực từ năm 1999, lúc 19 tuổi và gần như mù hẳn từ năm 2007, do bệnh viêm tủy thị thần kinh. Khi không nhìn rõ, cô thường hoài niệm những món Việt mà mẹ từng nấu cho ăn trước khi bà mất năm cô 14 tuổi.
Hà gây ấn tượng với ban giám khảo không chỉ bởi cô là một người khiếm thị nấu ăn tài tình mà còn bởi chỉ mới cách đây không lâu cô còn không biết nấu ăn. Christine Hà mở nhà hàng đầu tiên của mình mang tên The Blind Goat, tại Bravery Chef Hall ở Houston vào năm 2019, nhà hàng này như một ngôi sao ẩm thực đang lên, mang về một đề cử bán kết cho Nhà hàng mới xuất sắc nhất năm 2020 của Quỹ Giải thưởng James Beard tại Mỹ.
Tiếp nối thành công đó, Hà mở thêm một nhà hàng thứ hai mang tên “Xin Chao” với quy mô lớn hơn, là sự hợp tác với Chef Tony Nguyễn và khai trương vào tháng 9 năm 2020. Quỹ giải thưởng James Beard tiếp tục trao cho Hà và Nguyễn một đề cử chung cho Đầu bếp xuất sắc nhất: Texas vào năm 2022.
4/ Johnny Dang – Thợ kim hoàn Việt kiều nổi tiếng
Johnny Đặng, hay còn có tên Johnny Tuấn Đặng, sinh năm 1974 tại Đắk Lắk, là một đại gia người Mỹ gốc Việt. Johnny Đặng theo gia đình đặt chân lên đất Mỹ từ năm 1996.
TV Jewelry là cửa hàng trang sức đầu tiên mà ông sáng lập (tiền thân của Johnny Dang & Co). Từ một cửa hàng nhỏ vô danh ở địa phương, Johnny Dang & Co đã phát triển thành hệ thống với 3 showroom hoành tráng tại bang Texas, Hoa Kỳ.
Tên tuổi của Johnny Đặng gắn liền với sự ra đời của Grillz – một phụ kiện trang sức thông dụng trong giới nghệ sĩ xứ cờ hoa. Rất nhiều ngôi sao tên tuổi như Beyonce, Madonna, Justin Bieber, Katy Perry, Miley Cyrus,… đều rất ưa chuộng sản phẩm mà Johnny sáng tạo.
Theo như số liệu thống kê gần nhất vào mùa thu năm 2021, tổng giá trị tài sản được công bố của Johnny ước đạt 20 triệu USD (tương đương với 457 tỷ đồng).
5/ Frank Jao – Nhà tiên phong đứng sau Little Saigon, Westminster, California và Asian Garden Mall
Ông Jao, tên thật là Triệu Như Phát. Năm 1975, ông cùng vợ sang Mỹ định cư ở một căn hộ nhỏ tại thành phố Whittier, bang California. Năm 1978, ông Triệu Như Phát thành lập Công ty Bridgecreek, chính thức khởi sự kinh doanh ngành bất động sản tại California. Đến nay, Bridgecreek tổng trị giá mà công ty đã đầu tư các dự án bất động sản lên đến 400 triệu USD. Trong đó, có Khu thương mại Phước Lộc Thọ (còn mang tên tiếng Anh là Asian Garden Mall) đóng vai trò trung tâm thương mại quan trọng của người châu Á tại Mỹ. Năm 2002, tổng thống Mỹ đích thân chỉ định doanh nhân Triệu Như Phát vào Ban giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF).
Năm 2012, ông và gia đình mở Indochine Essence, một chuỗi cửa hàng ăn nhanh bình dân ở tỉnh Quảng Đông. Chuỗi chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam với 21 chi nhánh.
Với tất cả những gì đã cố gắng, triệu phú Jao từng được trang tin tức dành cho người châu Á tại Mỹ Goldsea Asian American Daily bầu chọn là một trong số 70 người Mỹ gốc Á có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay.
6/ David Tran – Nhà sáng lập Huy Fong Foods, nhà sản xuất tương ớt Sriracha
Năm 1979, David Trần đặt chân đến Boston, Mỹ. Sáu tháng sau, ông tiếp tục hành trình đến Los Angeles mua một tòa nhà rộng hơn 200m2 ở Khu Phố Tàu và bắt đầu thành lập công ty Huy Fong (tên chiếc máy bay mà ông đã đi) để sản xuất một loại tương ớt có tên Sriracha.
Hơn 4 thập kỷ sau, Sriracha đã có mặt tại các bàn ăn trên toàn thế giới. Theo đó, sản phẩm này hiện đang đứng thứ 3 trên thị trường tương ớt trị giá 1,5 tỷ USD của Mỹ, chỉ sau Tabasco, thuộc sở hữu của gia đình McIlhenny từ năm 1868, và Frank’s RedHot, của gã khổng lồ McCormick & Co.
Điều không thể hiểu là, Sriracha trở thành một thương hiệu khổng lồ mà không tốn một xu cho quảng cáo và không tăng giá bán buôn kể từ đầu những năm 1980. Năm 2020, Huy Fong đang được định giá 1 tỷ USD, dựa trên doanh thu ước tính 131 triệu USD. Ở tuổi 77, David Trần trở thành tỷ phú duy nhất trong ngành công nghiệp tương ớt của Mỹ.
7/ Eugene H.Trinh – Phi hành gia Nasa, Việt kiều đầu tiên du hành vào vũ trụ
Eugene Trịnh, tên khai sinh là Trịnh Hữu Châu, ra đời ngày 24-9-1950 tại Sài Gòn. Ông là con trai út của kỹ sư công chánh Trịnh Ngọc Sang. Năm 1953, gia đình anh đến định cư trên đất Pháp.
Trong hai năm liên tiếp 1974 và 1975, ông nhận học bổng và bảo vệ thành công các luận án thạc sĩ khoa học và triết học. Ông tiếp tục học lên tiến sĩ và năm 1977 lấy được bằng vật lý ứng dụng của Đại học Yale lừng danh.
Năm 1979 NASA mời ông vào làm việc tại phòng thí nghiệm về sức đẩy phản lực. Trong thời gian này, ông còn tham gia các hoạt động nghiên cứu của Viện Kỹ thuật California. Năm 1983 NASA chọn ông để huấn luyện thành chuyên viên sức đẩy làm việc cho phòng thí nghiệm không gian 3 (Spacelab 3).
Năm 1985 ông được bổ nhiệm làm trưởng nhóm kỹ thuật NASA và giữ cương vị này trong ba năm. Năm 1990, NASA thông báo chọn Eugene Trịnh vào danh sách bổ sung cho hai chức vụ nghiên cứu sức đẩy tại phòng thí nghiệm vi trọng lực của tàu con thoi.
Sự nghiệp của ông lên đến đỉnh cao vào ngày 25-6-1992 khi ông có mặt trong chuyến bay của tàu con thoi Columbia bay lên không gian. Như vậy, ông đã trở thành người Việt thứ hai có mặt trên quĩ đạo trái đất 12 năm sau khi Phạm Tuân làm được điều kỳ diệu tương tự.
Hiện tại ông làm giám đốc bộ phận khoa học tự nhiên tại trụ sở của NASA ở thủ đô Washington. Đến nay, hơn 40 công trình khoa học của ông đã được công bố trên các tạp chí khoa học lớn của Mỹ và châu Âu. NASA đã trao tặng ông huy chương phi hành gia, huy chương thành tựu khoa học đặc biệt.
8/ Helen Trần – Nữ thị trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên của San Bernardino
Helen Trần, người Mỹ gốc Việt 40 tuổi. Helen Trần là cư dân lâu năm ở San Bernardino và là mẹ của ba đứa con, cô cho biết cha mẹ cô đã chuyển gia đình họ từ San Diego đến khu vực này ngay sau khi họ nhập cư vào Mỹ với số tiền ít ỏi.
Mặc dù ban đầu Helen Trần muốn trở thành giáo viên lớp ba, nhưng cuối cùng cô đã làm việc tại Tòa thị chính San Bernardino trong bộ phận nhân sự vào năm 2006, cuối cùng trở thành giám đốc trẻ nhất của bộ phận sau 10 năm. Rời toà thị chính, Helen Trần giữ chức vụ giám đốc quản lý rủi ro và nhân sự của West Covina.
Năm 2022, Helen Trần dễ dàng giành được ghế thị trưởng San Bernardino với 62% phiếu bầu, đánh bại ứng viên kỳ cựu City Atty chỉ đạt dưới 40% phiếu bầu. Cô trở thành nữ thị trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên của San Bernardino, tiểu bang California, Mỹ.
Helen Trần nói rằng, với sứ mệnh mới của mình, cô sẽ tập trung nhất vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, an toàn công cộng, phát triển kinh tế và cải thiện tài trợ cho các trường học và công viên.
Ngoài ra, bà còn có nhiều vai trò khác nhau như: Ủy viên Hội đồng Trường Trung học Bob Holcomb; thành viên Dự án Tái sinh Verdemont (VRP), thành viên Liên đoàn Cử tri Phụ nữ San Bernardino; thành viên Câu lạc bộ Rotary, thành viên Hội đồng Quản trị của tổ chức phi chính phủ Habitat for Humanity vùng San Bernardino…
9/ Leyna Nguyen – Người dẫn chương trình tin tức, Việt kiều đầu tiên được trao giải Emmy
Leyna Nguyen, sinh năm 1970 tại Đông Hà, thuộc tỉnh Quảng Trị. Khi lên năm tuổi, cô theo gia đình đến Mỹ.
Cô từng đoạt vương miện Hoa hậu người Mỹ gốc châu Á năm 1987. Và 13 năm sau đó, cô được bình chọn là một trong 25 người Mỹ gốc Việt có ảnh hưởng nhất trong 25 năm tại Mỹ. Cô từng làm việc cho Đài truyền hình KCRA tại thành phố Sacramento thuộc bang California và Đài truyền hình WRDW-TV tại Augusta thuộc bang Georgia.
Kể từ năm 1997, Cô Leyna Nguyen đang làm việc cho Đài truyền hình KCAL-TV tại Los Angeles. Năm 2008, cô Leyna Nguyen đã nhận 2 giải Emmy trong buổi lễ trao giải lần thứ 60 diễn ra vừa qua tại Mỹ. Cô Leyna Nguyen từng nhiều lần được đề cử cho giải thưởng này song năm nay cơ may mới đến với cô.
Cô hiện cũng là người dẫn chương trình cho một số chương trình truyền hình dành cho người gốc Việt và rất được mọi người mến mộ. Cô còn tham gia nhiều công tác từ thiện giúp trẻ em nghèo tại Việt Nam qua tổ chức Love Across the Ocean do cô điều hành.
10/ Eric Ly – Đồng sáng lập LinkedIn
Eric Ly, hay Eric Thich Vi Ly (sinh ngày 15 tháng 1 năm 1969) là một doanh nhân và nhà đầu tư người Mỹ gốc Việt.
Khởi đầu sự nghiệp, Eric nắm giữ các vị trí kỹ thuật tại các công ty nổi tiếng như NeXT của Steve Job, IBM hay General Magic, …
Năm 2002, Ly là đồng sáng lập của LinkedIn, một trang web mạng xã hội được thiết kế dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp, nơi ông đóng vai trò là giám đốc công nghệ. Đến tháng 05 năm 2003, trang web được khởi chạy với số thành viên hiện có lúc đó là 300 triệu người đến từ 200 quốc gia, đại điện cho 170 ngành.
Eric rời LinkedIn năm 2006 để phát triển các dự án của riêng mình. Ông hiện là CEO và người sáng lập của Hub giao thức tin cậy dựa trên blockchain.